Sinh hạ hoàng tử Kỷ_Thục_phi_(Minh_Hiến_Tông)

Năm Thành Hoá thứ 6 (1470), ngày 3 tháng 7 (tức ngày 30 tháng 7 dương lịch), Kỷ thị hạ sinh được một người con trai, đó là Chu Hựu Đường (朱祐樘).

Khi nghe tin mình có thai, Kỷ thị hoảng sợ mà dùng thuốc phá thai nhưng không thành. Tin một cung nhân phá thai sau đó đã lan đến tai của Vạn Quý phi, một ái phi của Hiến Tông. Minh sử ghi lại, Vạn Quý phi vì sợ bị thất sủng mà thường hay ra tay hại các hoàng tử của Hiến Tông. Nghe tin Kỷ thị vì phá thai hỏng mà sinh bệnh, Vạn Quý phi đã sai người khám để chứng thực hư. Người cung nữ đó thương xót Kỷ thị nên đã nói dối với Vạn Quý phi rằng Kỷ thị mắc bệnh nên bụng phình trương ra. Quý phi tin vậy, nên sai Thái giám Trương Mẫn đưa Kỷ thị vào An Lạc đường cư trú. Nhờ đó giữ được mạng sống của đứa bé.

Khi Kỷ thị sinh ra, trông thấy là một hoàng tử thì rất hoảng sợ. Bà cầu xin thái giám Trương Mẫn dìm đứa bé đi, Trương Mẫn nói: ["Hoàng đế không có nhi tử, có thể nào làm như vậy!?"][2]. Thế là Trương Mẫn đem giấu đứa bé ở trong chỗ của mình, gạt Quý phi mà đem mật đút cho đứa bé. Khi ấy Hoàng hậu Ngô thị của Hiến Tông cũng bị phế đến Tây cung, nên bà chăm sóc cho Chu Hựu Đường chu đáo. Vào lúc đó, con của Bách Hiền phi là Hoàng nhị tử Chu Hựu Cực nhưng bị Quý phi hại chết, nên Chu Hựu Đường trở thành Hoàng trưởng tử của Hiến Tông, nhưng bản thân ông không biết điều này. Năm thứ 11 (1475), Hiến Tông triệu Trương Mẫn vào cung hầu hạ rồi than: ["Ta đã già mà không có nổi một đứa con để nối dõi!"]. Trương Mẫn nhân đó kể lại chuyện mẹ con Kỷ thị, người sinh được Hoàng trưởng tử.

Minh Hiến Tông mừng rỡ phái người đón đứa bé vào cung, khi sứ giả đến thì Kỷ thị ôm con của mình mà khóc, nói: ["Con đi đi, ta chỉ sợ không sống được. Nhìn thấy người nào mặc áo Bào màu vàng, ấy chính là Phụ hoàng của con"]. Khi ấy Chu Hựu Đường chập chững mặc áo, khi gặp Hiến Tông thì ôm chầm lấy, Hiến Tông vui vẻ cực điểm mà hạ chỉ tế cáo Tổ tông. Sau đó, Kỷ thị được chuyển đến sống tại Vĩnh Thọ cung trong Tây Lục cung[3]. Khi nghe được tin này, Vạn Quý phi ngày đêm khóc mà nói: ["Các người các ngươi đều lừa gạt ta!"]. Không lâu sau đó, tháng 6 (ÂL), Kỷ thị đột ngột qua đời, Minh sử ghi rằng có tin đồn là do chính Vạn Quý phi đã hạ sát bà. Thái giám Trương Mẫn sau khi nghe Kỷ phi bạo bệnh thì cũng nuốt vàng tự sát[4]. Minh Hiến Tông đã truy phong cho Kỷ thị làm Cung Khác Trang Hy Thục phi (恭恪莊僖淑妃)[5].